- Trump gia hạn thời hạn đàm phán đến ngày 1/8
- Thị trường chứng khoán giảm điểm vì tin tức về thuế quan
- Mỹ áp thuế mới: từ 25% với Tunisia đến 40% với Lào
- Bộ trưởng Tài chính Mỹ nói hộp thư ngập tràn đề xuất thương mại
- Trump đe dọa áp thêm thuế với các quốc gia thuộc khối BRICS
Tổng thống Mỹ thông báo thuế quan sẽ tăng mạnh từ ngày 01/08
Ông Trump bắt đầu thông báo tới các đối tác thương mại
Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày thứ Hai đã bắt đầu thông báo tới các đối tác thương mại — từ những nhà cung cấp lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến các nước nhỏ hơn — rằng mức thuế nhập khẩu của Mỹ sẽ tăng mạnh kể từ ngày 1/8, đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại mà ông khởi xướng từ đầu năm nay.
Việc áp thuế 25% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ các đồng minh quan trọng như Nhật Bản và Hàn Quốc đã gây chấn động Phố Wall, khiến chỉ số S&P 500 giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường châu Á có vẻ vẫn bình tĩnh trước thông tin mới này.
14 quốc gia đã nhận được thư từ Mỹ cho đến nay, bao gồm cả các quốc gia xuất khẩu quy mô nhỏ sang Mỹ như Serbia, Thái Lan và Tunisia. Các bức thư này gợi mở khả năng tiếp tục đàm phán, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ hành động trả đũa nào cũng sẽ bị đáp trả tương xứng.
“Nếu vì bất kỳ lý do gì các bạn quyết định tăng thuế, thì mức tăng đó – dù là bao nhiêu – sẽ được cộng thêm vào mức thuế 25% mà chúng tôi đang áp dụng,” – ông Trump viết trong thư gửi Nhật Bản và Hàn Quốc, được công bố trên nền tảng Truth Social của ông.
Các mức thuế cao hơn sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, và đáng chú ý là không được cộng dồn với các mức thuế theo ngành đã công bố trước đó, chẳng hạn như thuế ô tô, thép và nhôm.
Điều này đồng nghĩa, ví dụ, thuế nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản sẽ giữ nguyên ở mức 25%, thay vì tăng lên 50% do cộng dồn giữa 25% thuế ngành ô tô hiện có và 25% thuế “có đi có lại” mới – như đã từng xảy ra với một số trường hợp khác dưới chính sách thuế của Trump.
Ông Trump bỏ ngỏ khả năng tiếp tục gia hạn
Thời gian dành cho các quốc gia để hoàn tất thỏa thuận với Mỹ đang dần cạn kiệt, kể từ khi ông Trump khơi mào một cuộc chiến thương mại toàn cầu vào tháng 4, khiến thị trường tài chính biến động mạnh và buộc các nhà hoạch định chính sách phải tìm cách bảo vệ nền kinh tế của họ.
Các đối tác thương mại đã có thêm một khoảng thời gian gia hạn, khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp vào thứ Hai, kéo dài thời hạn đàm phán từ thứ Tư tuần này sang ngày 1/8.
Khi được hỏi liệu hạn chót này có phải là cố định hay không, Trump nói: “Tôi cho là cố định, nhưng không phải 100%. Nếu họ gọi điện và nói muốn làm theo một cách khác, thì chúng tôi sẽ sẵn sàng xem xét.”
Trump đã khiến phần lớn thế giới phải đoán già đoán non về kết quả của các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng với các quốc gia đang nỗ lực tránh các đợt tăng thuế mạnh mà ông từng đe dọa.
Mức thuế dành cho Hàn Quốc vẫn giữ nguyên như công bố ban đầu của Trump. Trong khi đó, mức thuế đối với Nhật Bản cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức công bố ngày 2/4. Một tuần sau thông báo đó, Trump tạm thời giới hạn tất cả các mức thuế "có đi có lại" ở mức 10% cho đến ngày thứ Tư.
Phản ứng của các nước khác
Tổng thống Trump cho biết Hoa Kỳ sẽ áp thuế nhập khẩu với các mức cụ thể sau:
-
25% đối với hàng hóa từ: Tunisia, Malaysia, Kazakhstan
-
30% đối với: Nam Phi, Bosnia và Herzegovina
-
32% đối với: Indonesia
-
35% đối với: Serbia và Bangladesh
-
36% đối với: Campuchia và Thái Lan
-
40% đối với: Lào và Myanmar
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba phát biểu hôm thứ Ba rằng hai bên đã đạt được một số tiến triển trong việc tránh mức thuế cao lên tới 35% mà ông Trump từng đề xuất gần đây. Ông cũng cho biết trong một cuộc họp với các bộ trưởng nội các về chiến lược thuế quan của Nhật: “Chúng tôi đã nhận được một đề xuất từ Hoa Kỳ nhằm nhanh chóng thúc đẩy đàm phán hướng tới thời hạn mới là ngày 1/8, và rằng tùy theo phản hồi của Nhật Bản, nội dung bức thư có thể được điều chỉnh lại.”
Hàn Quốc tuyên bố sẽ tăng cường đàm phán thương mại với Hoa Kỳ và cho rằng kế hoạch mới nhất của ông Trump trên thực tế là gia hạn thời gian ân hạn trước khi áp dụng mức thuế có đi có lại. “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh đàm phán trong khoảng thời gian còn lại để đạt được kết quả hai bên cùng có lợi và nhanh chóng giải quyết các bất ổn liên quan đến thuế quan” - Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng mức thuế 30% của Mỹ là không hợp lý, vì 77% hàng hóa của Mỹ nhập vào Nam Phi hiện không bị áp thuế. Người phát ngôn của ông Ramaphosa cho biết chính phủ Nam Phi sẽ tiếp tục trao đổi với phía Hoa Kỳ.
>> Xem thêm: Các quốc gia cố gắng theo đuổi thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót