Tổng thống Donald Trump tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam. Thỏa thuận được công bố trước hạn chót ngày 9/7 và là thỏa thuận thứ ba của Mỹ sau Anh và Trung Quốc. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc, Việt Nam được xem là đối tác chiến lược của Mỹ. Thỏa thuận cũng mở ra cơ hội tăng xuất khẩu ô tô Mỹ sang Việt Nam, dù điều này được xem là đầy thách thức.
Thỏa thuận đôi bên cùng có lợi
Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã đạt được một thỏa thuận thương mại với Việt Nam sau nhiều tuần ngoại giao căng thẳng giữa hai nước, và ngay trước thời hạn vào tuần tới – thời điểm mà nếu không đạt được thỏa thuận, các mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Ông Trump cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Tư rằng mức thuế 20% sẽ được áp dụng đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, và mức thuế 40% sẽ áp lên bất kỳ hàng hóa nào bị xem là "trá hình xuất khẩu" (transshipment) thông qua Việt Nam.
Ông cũng nói rằng Việt Nam đã đồng ý xóa bỏ hoàn toàn các mức thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. “Nói cách khác, họ sẽ 'MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG CHO MỸ', tức là chúng ta sẽ có thể bán hàng hóa vào Việt Nam với MỨC THUẾ BẰNG 0” Trump viết. Tổng thống cho biết ông đã đạt được thỏa thuận này sau các cuộc thảo luận với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – ông Tô Lâm.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết trong một tuyên bố rằng, trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo hôm thứ Tư, ông Trump đã cam kết tiếp tục hợp tác “giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến quan hệ thương mại song phương”, và Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề xuất rằng Mỹ nên công nhận Việt Nam là một “nền kinh tế thị trường” và dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với một số sản phẩm công nghệ cao.
Việt Nam - Đối tác quan trọng của Mỹ
Dù Trump đã chia sẻ những nét tổng quát của thỏa thuận, Nhà Trắng vẫn chưa công bố văn bản chi tiết hay bất kỳ sắc lệnh chính thức nào hợp thức hóa thỏa thuận này. Một số chi tiết vẫn có thể đang trong quá trình hoàn thiện. Trước đó, Mỹ và Anh đã công bố thỏa thuận thương mại song phương vào đầu tháng 5, nhưng phải đến giữa tháng 6 Trump mới ký sắc lệnh thực hiện thỏa thuận này. Ngay cả khi đó, nhiều điểm quan trọng vẫn được để lại để giải quyết sau.
Thỏa thuận với Việt Nam là thỏa thuận thứ ba được công bố, sau các thỏa thuận với Anh và Trung Quốc, trong bối cảnh các đối tác thương mại đang gấp rút đạt được thỏa thuận với Mỹ trước hạn chót ngày 9/7. Trước đó, ông Trump đã áp thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam như một phần trong đợt triển khai đầu tiên của chính sách “thuế quan tương hỗ” vào đầu tháng 4 – áp dụng cho hàng chục quốc gia – nhưng sau đó mức thuế này được giảm xuống 10% để tạo điều kiện cho quá trình đàm phán.
Việt Nam là một quốc gia đặc biệt đối với chính quyền Trump. Một số cố vấn hàng đầu của ông xem Việt Nam như một đối tác chiến lược trong nỗ lực đối trọng với Trung Quốc ở châu Á. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã trở thành những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng Mỹ.
Việt Nam đã chứng kiến doanh số bán hàng sang thị trường Mỹ tăng vọt trong những năm gần đây, một phần do các nhà sản xuất chuyển dây chuyền từ Trung Quốc sang Việt Nam. Việt Nam là nhà cung cấp lớn các mặt hàng dệt may và đồ thể thao, với nhiều nhà máy sản xuất cho các hãng như Nike Inc., Gap Inc. và Lululemon Athletica Inc.
Theo số liệu của Cục Điều tra Dân số Hoa Kỳ, Việt Nam là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ trong năm ngoái, với kim ngạch gần 137 tỷ USD. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đứng thứ ba toàn cầu, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Xuất khẩu trong tháng 5 tăng vọt 35%, khi các doanh nghiệp gấp rút đưa hàng lên tàu trước thời hạn áp thuế.
Tham vọng của Mỹ với thị trường Việt Nam
Sau bài đăng của Trump, chỉ số S&P 500 tăng, với cổ phiếu các công ty sản xuất nội thất và may mặc ghi nhận mức tăng mạnh. ON Holding, Nike và Lululemon đều tăng lên mức cao nhất trong phiên.
Một số quan chức Mỹ muốn điều chỉnh mức thuế đối với Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác sao cho thấp hơn đáng kể so với mức áp với Trung Quốc, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Mức thuế cao 40% được công bố hôm thứ Tư sẽ áp dụng với các hàng hóa bị xem là "trá hình xuất khẩu", tức là linh kiện từ Trung Quốc (hoặc nước khác) được đưa qua Việt Nam rồi chỉ trải qua công đoạn gia công tối thiểu trước khi xuất sang Mỹ. Chi tiết đầy đủ về những loại hàng hóa nào sẽ bị áp mức thuế cao hơn hiện vẫn chưa được công bố.
Xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam trong năm ngoái chỉ đạt khoảng 15 tỷ USD. Tổng thống Trump đã quảng bá triển vọng tăng xuất khẩu ô tô sang Việt Nam như là một kết quả của thỏa thuận.
Tuy nhiên, việc thúc đẩy xuất khẩu ô tô Mỹ sang Việt Nam sẽ là một mục tiêu đầy tham vọng, bởi ngay cả những chiếc SUV do Mỹ sản xuất có giá rẻ và nhỏ gọn hơn cũng có thể vẫn quá đắt so với các đối thủ từ các quốc gia khác.
>> Xem thêm: Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 35% lên Nhật Bản