Cũng như các quỹ đầu tư tài chính khác, quỹ đầu tư vàng được nhà đầu tư yêu thích bởi tính an toàn của kim loại quý này. Trong số đó, qũy SPDR là quỹ ủy thác đầu tư vàng uy tín và quy mô lớn nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu.
Vậy siêu quỹ SPDR là gì, hoạt động ra sao và có thực sự ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu như nhiều nhà đầu tư vẫn lầm tưởng? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ bản chất của SPDR và cách sử dụng thông tin từ quỹ này một cách hiệu quả khi đầu tư vàng.
Qũy SPDR Golden Trust là gì?
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là một khái niệm không còn xa lạ với ngay cả những nhà đầu tư nghiệp dư hay bán chuyên. Quỹ ETF (Exchange Traded Fund) là một dạng quỹ đầu tư mô phỏng theo chỉ số biến động của một loại chứng khoán hay tài sản. Bằng hình thức mô phỏng này, nó cho phép nhà đầu tư cá nhân thay vì nắm giữ tài sản thực chất, họ có thể đầu tư gián tiếp vào tài sản đó thông qua danh mục đầu tư của quỹ với một chi phí nhỏ. Và chứng chỉ quỹ có thể được giao dịch trên sàn giao dịch như một cổ phiếu thông thường với mức độ thanh khoản cao.
Qũy SPDR là một ETF đầu tư với tài sản cơ sở là vàng. Thông qua phát hành chứng chỉ quỹ, nhà đầu tư có thể đầu tư vào vàng với một chi phí thấp thay vì sở hữu vàng vật chất với chi phí cao.
Tại sao SPDR được gọi là “siêu quỹ”?
SPDR được gọi là siêu quỹ vì quy mô tài sản khổng lồ và tầm ảnh hưởng lớn của nó đối với thị trường vàng:
-
Tính đến nay, SPDR Gold Trust thường nắm giữ khoảng 800 đến 1.000 tấn vàng, tương đương với lượng dự trữ của nhiều ngân hàng trung ương.
-
SPDR là ETF vàng lớn nhất thế giới về tài sản quản lý (AUM).
-
Những động thái mua bán của quỹ SPDR có thể tạo ra ảnh hưởng tâm lý lớn đến các nhà đầu tư vàng toàn cầu, khiến thị trường phản ứng mạnh mẽ.
Qũy SPDR có sức ảnh hưởng thế nào đến thị trường vàng?
Với nhà đầu tư trong thị trường vàng, việc nắm bắt hành động của SPDR là mua hay bán thường được xem như là một chỉ báo của việc các Bigboy sẽ làm gì và thường có một niềm tin các Bigboy mua bán không bao giờ lỗ và SPDR được ví giống như một cá mập lái thị trường, hay đại loại là một quỹ có chiến lược đầu tư độc lập. Điều này là một quan niệm sai lầm của nhà đầu tư.
Mỗi quỹ đầu tư đều có Mandate riêng, có thể hiểu rằng đây là kế hoạch đặt ra với từng quỹ sao cho thỏa mãn với yêu cầu của khách hàng, hay những điều khoản, quy tắc phù hợp với chiến lược của hoạt động của từng quỹ. Đối với các Quỹ Phòng Hộ (Hedge Fund), Mandate của Hedge Fund là cung cấp một công cụ tài chính đối với những thời điểm không hiệu quả của thị trường bởi các khách hàng của họ chủ yếu là các quỹ tiền lương, hưu trí, ngay cả khi thị trường đi xuống, các quỹ này vẫn cần nguồn tiền để trả lương hưu.
Với các ETF, bản thân đây là các quỹ mô phỏng. Bởi thế, mục tiêu hoạt động của các quỹ này là làm sao hạn chế nhất rủi ro về thanh khoản và trượt giá, cũng như bám sát được mức lợi nhuận của tài sản hay danh mục được mô phỏng. Do đó, bản thân quỹ SPDR mua bán vàng không phải vì nhằm kiếm lợi nhuận dựa trên chênh lệch giá, hay bơm xả lên đầu các nhà đầu tư cá nhân mà nhiều người vẫn tưởng như vậy.
Việc theo dõi SPDR mua bán vàng không phải là để “theo dấu cá mập” mà các chuyên gia tài chính đưa ra. Thị trường là phi tập trung, do đó việc theo dõi SPDR đóng vai trò là một tín hiệu về tâm lý của một phần trong thị trường. Tóm lại, quỹ SPDR là một tay trung gian mua bán hộ, gom các đơn nhỏ lẻ lại thành một đơn sỉ chứ SPDR không phải là tự doanh mua bán. Quỹ SPDR phần nào đó thể hiện cho đám đông, nhưng đám đông thì không phải lúc nào cũng đúng.
Theo dõi SPDR có ích gì cho nhà đầu tư?
Dù không trực tiếp điều khiển thị trường, nhưng hành vi mua – bán của quỹ SPDR vẫn là một chỉ báo quan trọng:
-
SPDR mua mạnh có thể cho thấy thị trường đang kỳ vọng giá vàng sẽ tăng (ví dụ do lạm phát, rủi ro địa chính trị, chính sách nới lỏng tiền tệ).
-
SPDR bán mạnh có thể phản ánh tâm lý rút vốn khỏi tài sản trú ẩn, chuyển sang cổ phiếu hoặc tài sản rủi ro hơn.
Thông thường, các nhà đầu tư vàng sẽ kết hợp dữ liệu SPDR với các chỉ báo vĩ mô khác, chẳng hạn như báo cáo ADP và NFP – hai báo cáo việc làm quan trọng hàng tháng của Mỹ.
Tóm lại, Siêu quỹ SPDR là một công cụ đầu tư quan trọng và được theo dõi sát sao trên toàn cầu. Tuy không có khả năng thao túng thị trường, nhưng hành vi mua bán của SPDR phản ánh phần nào kỳ vọng và tâm lý nhà đầu tư tổ chức với thị trường vàng. Việc kết hợp dữ liệu từ SPDR, báo cáo ADP và NFP, cùng với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác sẽ giúp nhà đầu tư có góc nhìn toàn diện và xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả hơn.